Tin Tức

Hai cấp độ đánh giá an toàn chịu lực công trình

Dự thảo Thông tư của Bộ Xây dựng quy định 2 cấp độ đánh giá an toàn chịu lực công trình: Bằng trực quan và bằng đánh giá an toàn đầy đủ…

Kiểm tra định kỳ bằng trực quan 10 năm đầu

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định chi tiết về quy trình đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.

Nội dung cốt lõi của dự thảo Thông tư nằm ở Phần 2 quy định về quy trình đánh giá an toàn chịu lực công trình và Phần 3 quy định về quy trình kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo an toàn vận hành, khai thác công trình.

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN.

Cụ thể, về quy định về quy trình đánh giá an toàn chịu lực công trình, dự thảo Thông tư quy định khung đánh giá chung gồm 2 cấp độ đánh giá: Kiểm tra định kỳ bằng trực quan (đánh giá cấp độ 1), thực hiện 10 năm cho lần đầu và 5 năm cho lần tiếp theo. Nếu không có nghi ngờ về an toàn chịu lực, thì kết thúc kiểm tra định kỳ.

Tuy nhiên, nếu có nghi ngờ về an toàn chịu lực, thực hiện đánh giá an toàn đầy đủ (đánh giá cấp độ 2). Nếu chắc chắn về kết quả đánh giá sơ bộ, thì kết thúc đánh giá. Nếu không chắc chắn về kết quả đánh giá sơ bộ, thực hiện đánh giá chi tiết sau đó mới kết thúc đánh giá.

Đối với đánh giá cấp độ 1, Báo cáo kết quả đánh giá phải phản ánh thực tế các công việc kiểm tra chuyên môn đã được thực hiện, thể hiện được các quan điểm kỹ thuật, đánh giá, nhận định, kết luận và các khuyến nghị. Báo cáo cũng là tài liệu lưu trữ cần thiết phục vụ cho các lần đánh giá tiếp theo.

Tuy nhiên, đối với đánh giá cấp độ 2, Báo cáo kết quả đánh giá phải bao gồm các nội dung chi tiết về: Thông tin chung, trong đó đánh giá kết cấu hiện hữu thường được thực hiện theo giai đoạn. Cuối mỗi giai đoạn đánh giá, cần lập báo cáo đánh giá giai đoạn. Sau khi hoàn thành đánh giá cần tổng hợp trong báo cáo kết quả đánh giá (Tham khảo Phụ lục II); Kết luận rõ ràng về việc công trình có đảm bảo an toàn hay không an toàn, phù hợp với mục đích và yêu cầu đã đặt ra.

Nếu công trình không đảm bảo an toàn chịu lực thì người đánh giá cần đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp; Căn cứ vào kết quả đánh giá và đặc điểm công trình, người đánh giá đề xuất các khuyến nghị với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình về các biện pháp can thiệp xây dựng cần thiết để đảm bảo an toàn cho công trình, thời điểm hoặc các điều kiện cho lần đánh giá tiếp theo; Hồ sơ đánh giá…

Bên cạnh đó, nếu công trình được đánh giá có nguy cơ mất an toàn dẫn đến mất an toàn cộng đồng thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình phải có trách nhiệm thông báo tới cơ quan có thẩm quyền để có hướng giải quyết phù hợp…

Đánh giá định kỳ không quá 05 năm/lần

Về quy định về quy trình kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo an toàn vận hành, khai thác công trình, dự thảo Thông tư quy định nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm 02 nhóm đối tượng chính: Nhóm I gốm các bộ phận công trình có nguy cơ gây mất an toàn, không phải kết cấu chịu lực chính của công trình; Nhóm II gồm các điều kiện an toàn sử dụng, liên quan đến hệ thống trang thiết bị và các điều kiện về môi trường.

Trong đó, các bộ phận công trình có nguy cơ gây mất an toàn gồm các bộ phận bên trong công trình (khu vực công cộng hoặc thường xuyên có người qua lại), gắn trên mái công trình, trên bề mặt đứng bao quanh công trình; và các bộ phận xung quanh công trình.

Các điều kiện an toàn sử dụng gồm: Hệ thống Phòng cháy chữa cháy (PCCC), hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, hệ thống cấp khí đốt (LPG), các điều kiện an toàn về môi trường.

Dự thảo Thông tư cũng quy định rõ, việc kiểm tra hệ thống PCCC thực hiện theo quy định của pháp luật về PCCC. Đối với các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn được thực hiện theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

Thực hiện kiểm tra, đánh giá, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình giao người có năng lực và chuyên môn phù hợp tự tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ với tần suất không quá 05 năm/lần theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 10/2021/TT-BXD.

Trường hợp không đủ năng lực thực hiện một hoặc một số công việc thì có thể thuê tổ chức, cá nhân có năng lực và chuyên môn phù hợp để thực hiện. Việc kiểm tra, đánh giá hàng năm được kết hợp cùng với quy trình bảo trì công trình xây dựng, có thể thực hiện tại một hoặc nhiều thời điểm trong năm…

Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, hư hỏng, khuyết tật tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thì cần thực hiện gia cố, sửa chữa hoặc thay thế mới, hoặc có biện pháp cảnh báo hoặc kế hoạch, lộ trình xử lý phù hợp.

Đối với yếu tố có nguy cơ gây mất an toàn nằm ngoài phạm vi công trình, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình cần thông báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

Hồ sơ kiểm tra, đánh giá bao gồm báo cáo kết quả kiểm tra, đánh giá (có thể tham khảo Phụ lục III) và các tài liệu cần thiết liên quan. Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm lưu trữ, quản lý các hồ sơ này và báo cáo, xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền khi xem xét và thông báo ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình theo thời điểm và tần suất quy định của pháp luật.

Nguồn: tapchixaydung.vn

Các bản tin của A&C Construction :
Xem thêm tại : https://ancg.vn/category/tin-tuc-chung
Share this...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *